Một trong những thách thức cho việc thiết kết hệ thống giám sát, là lựa chọn được camera có góc quan sát phù hợp với khu vực cần giám sát, đặc biệt trong những không gian rộng như sân vận động, sân bay và các cơ sở sản xuất lớn.
Camera IP ra đời đã tăng đáng kể hiệu quả giám sát, hình ảnh chất lượng cao bất kể là xem trực tiếp hay ghi hình, tuy nhiên vẫn còn bị hạn chế về góc quan sát. Đối mặt với thách thức này, hầu hết các nhà thiết kế thường chọn giải pháp kết hợp nhiều camera cố định với các tính năng quay quét ( PTZ - pan, tilt, zoom) để bao phủ mọi điểm mù trong khu vực cần giám sát. Ngoài ra, sử dụng camera toàn cảnh có độ phân giải cao cũng là một giải pháp hiệu quả thay đổi cảnh quan thiết kế hệ thống giám sát.
Thông thường, các camera toàn cảnh cung cấp góc quan sát 360° hoặc 180°. Camera 360° thường được gắn trên trần cao tại trung tâm của khu vực cần giám sát để quan sát toàn cảnh 360°, còn camera 180° thường gắn trên tường để giám sát khu vực mặt tiền bên ngoài tòa nhà, hàng lang dài, khu vực tiếp tân rộng… Trong cả hai trường hợp, camera toàn cảnh đều cung cấp khả năng giám sát đầy đủ và không có điểm mù.
Các mẫu thiết kết camera toàn cảnh thường gồm một camera đơn với ống kính góc rộng 180° hoặc 360°, hoặc camera đa cảm biến gồm nhiều cảm biến và ống kính trong một vỏ máy duy nhất.
Một camera 360° đa cảm biến gồm 4 bộ cảm biến với ống kính 90°, đảm bảo hình ảnh thu được là những hình ảnh đơn và không bị bóp méo quang học. Tuy nhiên, cần có phần mềm đặc biệt “nối” những hình ảnh này lại với nhau để cho ra hình ảnh giám sát toàn cảnh.
Những camera đơn ống kính cung cấp hình ảnh toàn cảnh ở dạng hình cầu tương tự như “mắt cá”, ở trường hợp này hình ảnh gặp phải hiệu ứng biến dạng quang học và cần có phần mềm đặc biệt để “chống bẻ cong” (de-warp) tín hiệu, điều chỉnh lại hình ảnh không còn bị bẻ cong và sử dụng được. Tính năng này có thể cài đặt trong chính camera hoặc trong các phần mềm đi kèm và được xem như một phần của hệ thống quản lý hình ảnh.
Nhìn chung, giá thành các camera đa cảm biến có thể đắt hơn 2-3 lần, nhưng cung cấp hình ảnh có độ phân giải và chất lượng cao hơn khi so sánh với các camera cảm biến đơn ống kính có góc quan sát rộng.
Ứng dụng và xu hướng
Camera toàn cảnh có tiềm năng ứng dụng ở bất kỳ nơi nào cần giám sát đa hướng trong không gian rộng, bao gồm: các cửa hàng bán lẻ, trung tâm mua sắm, sân bay, bãi đỗ xe, sòng bạc, khu thể thao, nhà kho, cảng biển, cơ sở sản xuất và các ứng dụng khác… Yêu cầu chủ yếu là giám sát với độ tin cậy cao, liên tục theo dõi chuyển động vào, ra và di chuyển trong cả khu vực cần giám sát. Sự ra đời của camera toàn cảnh giúp quan sát khu vực rộng hơn với ít camera hơn, giảm chi phí tổng thể về đầu tư camera, tiết kiệm điện và bảo trì.
Hiện nay, có rất nhiều lựa chọn camera toàn cảnh với những ưu và khuyết điểm khác nhau. Vì thế, bạn nên cân nhắc nhiều yếu tố khi muốn triển khai một camera toàn cảnh, ví dụ tổng quan khu vực cần quan sát, điều kiện ánh sáng, khoảng cách đến đối tượng và các điểm gắn camera… có vai trò quan trọng để lựa chọn được thiết bị phù hợp.
Camera toàn cảnh đơn ống kính
Camera giám sát toàn cảnh với ống kính đơn (ống kính “mắt cá”) là một lựa chọn khá kinh tế để có được góc quan sát 360°, thường được triển khai tại các văn phòng, hành lang hay cửa hàng tiện lợi, hoặc gắn trực tiếp trên máy tính tiền. Bạn cũng có thể gắn camera này trên tường, cho góc quan sát 180°.
Một camera toàn cảnh đơn ống kính hiện nay có thể thay thế cho nhiều camera IP tiêu chuẩn, là một cải tiến giúp loại bỏ những điểm mù trong khu vực giám sát. Nhờ đó, người dùng tiết kiệm được chi phí do giảm yêu cầu đầu tư về camera, cáp, bộ chuyển mạch (switch), nguồn điện, tiết kiệm thời gian lập trình kỹ thuật và giảm thiểu yêu cầu cấp phép cho camera (licensing).
Một khuyết điểm khi sử dụng camera đơn ống kính thay cho nhiều camera IP, đó là khả năng phục hồi hệ thống vì chỉ có một camera duy nhất. Trong trường hợp camera bị lỗi, sẽ không có phương án dự phòng. Trong các ứng dụng quan trọng, có thể giải quyết điều này bằng cách tăng số lượng camera toàn cảnh và kết hợp một vài camera IP tiêu chuẩn để quan sát các khu vực trọng điểm. Sự kết hợp này sẽ mang lại giải pháp an toàn hơn cho những khu vực cần giám sát các tình huống nhạy cảm và yêu cầu về độ tin cậy cao.
Camera toàn cảnh đơn ống kính cũng cho ra hình ảnh tròn dạng “mắt cá”, cần chỉnh sửa để xem được bình thường. Quá trình điều chỉnh biến dạng này được gọi là “chống bẻ cong” (de-wrap) và có thể thực hiện ngay trên camera, hoặc thông qua phần mềm chuyên dụng trong các hệ thống quản lý hình ảnh, cho phép de-wrap ngay khi hình ảnh được truyền đi.
Camera toàn cảnh đa cảm biến
Camera toàn cảnh đa cảm biến có đặc trưng gồm nhiều cảm biến megapixel cố định và ống kính tiêu chuẩn được cài đặt trong lớp vỏ dạng bán cầu duy nhất, cung cấp hình ảnh nguyên vẹn và không phải de-warp. Tuy nhiên, vì có nhiều cảm biến trong một vùng quan sát duy nhất, nên vẫn cần một phần mềm đặc biệt để kết hợp hoặc “nối” các tín hiệu vào thành một hình ảnh giám sát duy nhất. Tương tự camera toàn cảnh đơn ống kính, camera toàn cảnh đa cảm biến cũng chỉ có một camera cần cài đặt và một sợi cáp kết nối đến. Tuy nhiên, các yêu cầu về nguồn điện hỗ trợ làm tăng kích thước tổng thể của camera đa cảm biến, khiến chúng lớn hơn so với camera đơn ống kính.
Một khác biệt nữa là camera đa cảm biến đòi hỏi băng thông kết nối gigabit Ethernet. Tùy vào nhà sản xuất và mẫu camera được chọn (có thể từ 5 MP – 40 MP), nên cần sử dụng cáp và switch thích hợp để hỗ trợ đủ băng thông. Người dùng cần cân nhắc kỹ điều này để xem xét kỹ những ứng dụng hỗ trợ cần thiết. Việc mua thêm license cũng cần được cân nhắc, xét xem phải có license cho một camera duy nhất hay license tương ứng với từng bộ cảm biến trong camera.
Cuối cùng, việc lắp đặt và thiết lập tính năng cho các camera sẽ thay đổi tùy theo mẫu thiết kế và nhà sản xuất. Nếu bạn muốn có camera chống chịu được thời tiết tích hợp cả máy sưởi và quạt gió, chống phá hoại IK-10 và hoạt động được cả ngày lẫn đêm, thì một camera bán cầu toàn cảnh đa cảm biến sẽ là lựa chọn lý tưởng.
Camera đa cảm biến định hướng
Kiểu camera toàn cảnh thứ ba là camera đa cảm biến với khả năng định hướng. Không chỉ cung cấp góc quan sát 180° và 360° như camera đa cảm biến toàn cảnh, camera đa cảm biến định hướng còn cho phép mỗi cảm biến có thể tùy chỉnh độc lập và tự định vị để ghi lại các góc quan sát như mong muốn.
Có thể làm được điều này bằng cách sử 4 khớp đa năng cân bằng ba trục trên camera, cho phép mỗi cảm biến chuyển động độc lập. Nhờ đó, người dùng có thể dễ dàng thiết lập định hướng để đạt được góc quan sát 270°. Cấu hình này thường được dùng cho các khu vực lắp đặt ngoài trời, hoặc ở những khu vực cần góc quan sát đặc biệt như bãi đậu xe, nơi bạn muốn đồng thời quan sát cả chỗ đậu xe lẫn lối xe ra vào. Một số nhà sản xuất còn cung cấp tùy chọn để kết hợp các ống kính khác nhau, như ống kính tùy chỉnh cho phép zoom từ xa với khả năng tập trung linh hoạt hơn. Do có thể tùy chọn cảm biến, dòng camera này thường có kích thước lớn hơn nhiều so với camera toàn cảnh đơn ống kính và camera toàn cảnh đa cảm biến. Đồng thời, giá cả của camera đa cảm biến định hướng cũng đắt hơn các dạng kể trên.
Kết luận
Camera toàn cảnh không phải là giải pháp duy nhất cho tất cả các ứng dụng, nhưng khi được sử dụng chính xác, đó sẽ là giải pháp giám sát hình ảnh lý tưởng cho yêu cầu đặc trưng của bạn.
Quá trình lựa chọn công nghệ camera phù hợp đòi hỏi người dùng phải hiểu biết thấu đáo về thiết kế tổng thể. Nếu mục tiêu của bạn yêu cầu mức độ giám sát nghiêm ngặt trong một khu vực quan sát tương đối lớn, camera toàn cảnh là lựa chọn hàng đầu. Hiện nay, các nền tảng giám sát và giải pháp camera trên thị trường rất đa dạng, hãy chắc rằng bạn đã suy xét thật kỹ khi thiết kế để sở hữu một hệ thống giám sát được liên kết chặt chẽ và đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết trong tương lai.
Nguồn: tamnhinmang.vn